Quảng Ngãi có 515.592 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất rừng sản xuất 159.089 ha chiếm 55,77 % rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp (285.282 ha); Những năm gần đây, diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh đã tăng lên đáng kể, nhưng chủ yếu là cung cấp gỗ nhỏ làm nguyên liệu giấy, giá trị kinh tế thấp; năm 2016, khai thác cung cấp gỗ cho chế biến đạt 4,2 triệu tấn nhưng chủ yếu là sản xuất nguyên liệu giấy và ván dăm, chưa phát triển rừng trồng gỗ lớn cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất đồ mộc, gỗ xuất khẩu với giá trị kinh tế cao.
Theo tập quán trồng rừng hiện nay, người dân thường trồng Keo từ 3 - 5 năm, Bạch đàn từ 4 - 7 năm rồi tiến hành khai thác toàn bộ, sau đó trồng lại hoặc để tái sinh với chu kỳ tương tự; biện pháp này có ưu điểm là nhanh quay vòng vốn, song sản phẩm cung cấp cho thị trường chỉ là gỗ nhỏ hoặc nguyên liệu băm dăm. Mặt khác, đa số đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nguồn vốn tích lũy để tái sản xuất còn hạn chế; trong khi để sản xuất gỗ lớn, đối với Keo và Bạch đàn phải khai thác sau 10 năm, đối với các loài cây gỗ lớn như Sao đen, Dầu rái,…khai thác sau ít nhất 25 năm. Thêm vào đó, trồng rừng để lấy nguyên liệu gỗ lớn có chu kỳ kinh doanh dài dễ gặp rủi ro do thiên tai, địch họa, thị trường tiêu thụ,…Vì vậy, rất khó thu hút người dân trồng rừng sản xuất để lấy gỗ lớn nếu không có những giải pháp đồng bộ.
Sản xuất, kinh doanh rừng gỗ lớn đang là xu hướng trên thế giới và cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay. Để phát triển mô hình rừng có lợi ích kép này, theo các chuyên gia, cần thay đổi từ công tác quy hoạch, nghiên cứu giống mới, đến việc xây dựng và ban hành chính sách, phát triển thị trường, ,…
Để phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, ngành Nông nghiệp và PTNT xây dựng và thực hiện một số giải pháp, gồm:
1. Giải pháp về tổ chức và quản lý sản xuất:
- Rà soát lại công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững, phân công rõ trách nhiệm; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp.
- Lập quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ lớn, lập Dự án hỗ trợ đầu tư trồng rừng gỗ lớn để đến năm 2020 có được vùng rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn khoảng 500 ha và khoảng 2.400 ha vào năm 2030.
- Lập kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững, đến năm 2025 tạo được vùng nguyên liệu được cấp chứng chỉ FSC, PEFC từ 6.000 ha đến 8.000 ha.
- Tổ chức tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tổ chức tham quan học tập những mô hình rừng trồng gỗ lớn đã có hiệu quả kinh tế trong và ngoài tỉnh.
- Đánh giá, lựa chọn danh mục loài và giống cây trồng lâm nghiệp có năng suất cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Các địa phương như Đức Phổ, Mộ Đức, Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa cần chú trọng trồng cây bản địa để hạn chế sự đổ ngã do gió bão. Các cộng đồng, các doanh nghiệp ưu tiên trồng cây sinh trưởng chậm, các hộ gia đình và cá nhân ưu tiên trồng các loài cây sinh trưởng nhanh ( Keo, Bạch đàn...)
- Tiếp tục khảo nghiệm các giống cây trồng lâm nghiệp mới và đã được công nhận theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng yêu cầu kinh doanh gỗ lớn và thúc đẩy hoạt động chuyển giao các giống mới vào sản xuất.
3. Giải pháp về cơ chế chính sách:
Ngoài các chính sách của Trung ương; tỉnh cần xây dựng và ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích, tạo điều kiện cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đầu tư trồng rừng gỗ lớn, trồng cây gỗ nguy cấp, quý hiếm nhằm gìn giữ và phát triển nguồn gen các cây gỗ quý, hiếm và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho xây dựng, chế biến đồ mộc dân dụng và đồ gỗ xuất khẩu.
4. Giải pháp về xây dựng cơ sở hạ tầng:
- Đầu tư xây dựng một số tuyến đường lâm nghiệp vào khu vực rừng trồng gỗ lớn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác trồng rừng, chăm sóc rừng, bảo vệ rừng và khai thác rừng.
- Đầu tư nâng cấp một số vườn ươm có quy mô đảm bảo cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho dự án đầu tư trồng rừng gỗ lớn; ưu tiên hỗ trợ đầu tư cho tổ chức, cá nhân có khả năng nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô, nhằm cung cấp giống tốt cho trồng rừng gỗ lớn.
5. Giải pháp về thị trường và thu hút đầu tư:
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường sản phẩm rừng trồng gỗ lớn. Chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm rừng trồng gỗ lớn, đồng thời tăng cường công tác tiếp thị quảng bá thương hiệu, phân phối sản phẩm ở các thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC, PEFC…, giới thiệu và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ có hợp đồng gắn kết với vùng nguyên liệu rừng trồng gỗ lớn.
- Thực hiện cơ chế tự do lưu thông, khuyến khích mọi thành phần tham gia sản xuất kinh doanh rừng trồng gỗ lớn, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo lợi ích cho người sản xuất và người tiêu dùng.
- Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế được giao, thuê hoặc nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp để quản lý, kinh doanh theo qui định của pháp luật. Ưu tiên cho hộ dân tại chỗ, các tổ chức, đơn vị tại địa phương.
- Kêu gọi các tổ chức quốc tế, các thành phần kinh tế…. đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư để phát triển rừng trồng gỗ lớn.
Với những giải pháp cụ thể và thiết thực về công tác phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn, đến năm 2030 sẽ tạo lập khoảng 2.400 ha rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn tập trung và 450.000 cây phân tán là cây gỗ quý hiếm, nguy cấp; cùng với diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, PEFC từ 6.000 ha đến 8.000 ha sẽ tạo ra nguồn nguyên liệu có giá trị kinh tế cao phục vụ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, đạt mục tiêu độ che phủ theo Nghị quyết tỉnh Đảng bộ lần thứ XIX đề ra.