Quế là cây đặc sản lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, tinh dầu Quế là nguyên liệu quý trong công nghiệp dược phẩm và thực phẩm, vì thế Quế cũng có thể được xếp vào nhóm cây công nghiệp (Trần Cứu, 1983), (Lê Đình Khả và cs. 2003). Ngoài ra, do có tán lá khá dày, rậm và xanh quanh năm nên rừng trồng Quế còn có tác dụng phòng hộ khá hiệu quả. Do đó, Quế còn được gọi là cây đa mục đích và là một trong những loài cây trồng được lựa chọn trong các chương trình dự án góp phần xoá đói giảm nghèo, giúp người dân miền núi có cơ hội vươn lên làm giàu. Giống Quế bản địa huyện Trà Bồng đã gắn bó với người dân địa phương, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số (dân tộc Kor). Giống Quế bản địa tuy sinh trưởng và phát triển chậm hơn các loài khác, nhưng chất lượng của vỏ Quế cao hơn các giống Quế khác, cho hàm lượng tinh dầu cao hơn rất nhiều, Quế càng nhiều tuổi thì vỏ Quế bán càng có giá trị cao.
Vào năm 1993, do yêu cầu mở rộng diện tích trồng Quế, nhu cầu cây giống bản địa không đủ cung cấp, nên trong chương trình 135, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa thêm giống Quế Thanh vào trồng thử nghiệm ở huyện Trà Bồng. So với giống Quế bản địa, giống Quế di thực sinh trưởng nhanh hơn, nhưng chất lượng và giá trị vỏ Quế thấp hơn. Hơn nữa, sau những đợt mất giá, người dân đã không còn quan tâm với cây Quế như trước, một số diện tích trồng Quế đã chuyển sang trồng các loài cây khác (Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, 1999). Tháng 9 năm 2010, sản phẩm Quế Trà Bồng đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, cây Quế Trà Bồng đã dần lấy lại vị trí của nó trên thị trường. Mặt khác, hoạt động trồng, chăm sóc, khai thác Quế tại huyện Trà Bồng chỉ mang nặng tính tự phát, cây giống đem trồng không có tính chọn lọc với chất lượng kém, tạo điều kiện để sâu bệnh hại phát triển. Điều này, đã làm suy giảm năng suất và phẩm chất tinh dầu Quế. Vai trò quan trọng của nguồn gen cây dược liệu, đặc biệt là nguồn gen quý hiếm giống Quế đặc sản này đang có nguy cơ bị mất dần nên việc tuyển chọn cây trội/ đầu dòng phục vụ lưu giữ bảo tồn nguồn gen cây Quế bản địa ở huyện Trà Bồng là rất cần thiết và cấp bách.
Nhận thức rõ vấn đề cần phải gìn giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Đề án khung các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2020 tại Quyết định số 1267/QĐ-UBND ngày 05/9/2014 và phê duyệt Chi cục Kiểm lâm là đơn vị thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu lưu giữ, bảo tồn nguồn gen giống cây Quế bản địa Trà Bồng tại Quảng Ngãi và đánh giá kết quả bảo tồn” tại Quyết định số 2028/QĐ-UBND ngày 12/11/2015 về việc phê duyệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh thực hiện đến năm 2020, bắt đầu thực hiện năm 2015.
Qua thực hiện công tác điều tra trên địa bàn huyện Trà Bồng, Chi cục Kiểm lâm đã xác định và lựa chọn 200 cây trội ở 87 hộ có trồng Quế bản địa, trong đó ở xã Trà Hiệp có 93 cây/35 hộ, ở xã Trà Thủy có 35 cây/19 hộ, ở xã Trà Bùi có 28 cây/3 hộ, ở xã Trà Thủy có 19 cây/19 hộ, ở xã Trà Lâm có 14 cây/8 hộ, ở xã Trà Tân có 10 cây/8 hộ, ở xã Trà Sơn có 8 cây/7 hộ, ở TT. Trà Xuân có 7 cây/5 hộ và ở xã Trà Giang có 6 cây/2 hộ. Cây trội được lựa chọn có độ vượt về đường kính ngang ngực biến động từ 26,09-75,42 %, chiều cao vút ngọn biến động từ 1,58-29,39 %, chiều cao dưới cành biến động từ 0,51-16,96 % và đường kính tán biến động từ 10,38-84,73 %.
Số cây trội được tuyển chọn nêu trên, Chi cục Kiểm lâm đã ký hợp đồng với các hộ (87 hộ) để bảo vệ trong thời hạn 5 năm; đồng thời tổ chức thu mua hạt giống từ các cây trội này để gieo tạo, tuyển chọn 40.000 cây giống Quế sinh trưởng tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (có Hvn: 25-30 cm, D00: 0,25-0,3cm) đưa vào trồng rừng và phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Trà Bồng để trồng 10 ha rừng giống Quế tại tiểu khu 42 xã Trà Thủy và tiểu khu 34 xã Trà Hiệp huyện Trà Bồng.