Yêu cầu cấp thiết phải triển khai mô hình trồng cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng”

Đăng vào 27/12/2018

Rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, có vai trò rất quan trọng đối với cuộc sống của con người cũng như môi trường: cung cấp nguồn gỗ, củi, điều hòa, tạo ra oxy, điều hòa nước, là nơi cư trú động thực vật và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo vệ và ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, đảm bảo cho sự sống, bảo vệ sức khỏe của con người… Vì vậy, bảo vệ rừng là bảo vệ cuộc sống của chúng ta.

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hoàn thành các nhiệm vụ như: rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch 03 loại rừng; thông qua dự án cắm mốc xác định ranh giới rừng, xác lập các khu rừng phòng hộ trong hồ sơ cũng như ngoài thực địa, giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy CNQSDĐ…đến nay, hầu hết mỗi khu rừng, mỗi mảnh rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đều thực sự có chủ nhằm tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, trong thực tế phân định ranh giới giữa các loại rừng thông qua việc cắm mốc ranh giới đã hoàn thành vào năm 2010 chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn, khoảng cách giữa 2 mốc liền kề cách nhau khá xa (từ 1-3km), vì vậy, việc xác định ranh giới giữa rừng phòng hộ và các loại đất khác rất khó nhận biết ngoài thực địa nếu không có các thiết bị hỗ trợ như thiết bị định vị toàn cầu GPS, bản đồ……do đó, khả năng người dân xâm hại, lấn chiếm vào rừng cao, công tác xử lý vi phạm rất khó, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong giai đoạn sắp tới, theo yêu cầu nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 20/6/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc Ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 22-CTr/TU ngày 04/4/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 12/01/2017 của Ban bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, việc đầu tư thực hiện Mô hình trồng đai cây xanh phân định ranh giới giữa các loại rừng là rất cẩn thiết và cấp bách hiện nay, Đai cây xanh hình thành sẽ tạo hành lang pháp lý có tính trực quan, dễ nhận biết, dễ xác định ranh giới giữa rừng phòng hộ và các loại đất khác, hạn chế và dần tiến tới chấm dứt tình trạng xâm lấn, lấn chiếm đất rừng phòng hộ, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng khả năng tự phục hồi các diện tích đất rừng bên trong đai cây xanh, tạo quỹ đất sạch để thu hút các dự án đầu tư, phát huy chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, tăng cường tính đa dạng sinh học trong các khu rừng phòng hộ.

Nguyễn Thị Kim Phi – CCKL
THÔNG BÁO LỊCH TIẾP CÔNG DÂN
BẢN TIN DỰ BÁO CHÁY RỪNG
Bạn thấy giao diện, bố cục website thế nào?